Lập kế hoạch trong kiểm toán báo cáo tài chính

    Lượt xem: 1341

Lập kế hoạch trong kiểm toán báo cáo tài chính

Lập kế hoạch trong kiểm toán báo cáo tài chính đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trong đó, việc tìm hiểu khách hàng là một trong những khâu đầu tiên và cần kíp nhất trong chiến dịch lập kế hoạch kiểm toán báo cáo tài chính cho doanh nghiệp.
1. Hệ thống Kiểm soát nội bộ
Khi đã chấp nhận kiểm toán BCTC của một doanh nghiệp (DN) thì phần lập kế hoạch kiểm toán cần chú trọng vào tìm hiểu về khách hàng, đặc biệt là tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ (KSNB) . Việc cơ cấu lại hay giảm thiểu lao động nhằm cắt giảm chi phí cũng có thể dẫn đến việc đánh đổi chốt kiểm soát ở một số khâu sẽ bị nới lỏng, thậm chí mất hẳn chốt kiểm soát. Ví dụ trước đây, hồ sơ xin cấp tín dụng mua hàng của khách hàng sẽ được các chi nhánh nhận và sau đó sẽ scan và truyền qua mạng nội bộ về hội sở. Bộ hồ sơ gốc sẽ được chuyển phát qua đường thư tín bảo đảm và sẽ có nhân viên chịu trách nhiệm so sánh, kiểm tra bản scan với hồ sơ gốc. Tuy nhiên do công ty cắt giảm nhân sự mà việc kiểm tra so sánh đã bị xao nhãng, dẫn đến rủi ro bản scan và bản gốc có thể không trùng khớp nhau. Do đó, kiểm toán viên cần phải đánh giá lại tính hiệu quả của các chốt kiểm soát đã bị nới lỏng và tăng cường kiểm tra cơ bản đối với những khâu mất hẳn chốt kiểm soát.

2. Mức độ trọng yếu
Sau khi đã tìm hiểu về hoạt động của đơn vị được kiểm toán, hệ thống kế toán, hệ thống KSNB và đánh giá rủi ro thì kiểm toán viên phải xác định được mức độ trọng yếu  cho BCTC của đơn vị được kiểm toán. Trong tình hình hiện nay, cần phải xem xét đến sự thay đổi trong kỳ vọng của những người sử dụng thông tin tài chính của doanh nghiệp như nhà đầu tư, chủ nợ… Do sức ép từ thị trường tài chính, chứng khoán, từ sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường nên việc cho rằng những nhà lãnh đạo doanh nghiệp có động lực để “phù phép” báo cáo tài chính là có cơ sở. Cũng chính vì tâm lý này mà mức độ trọng yếu trong thời điểm này sẽ thấp hơn tại những thời điểm kinh tế bình thường khác do rủi ro kiểm toán cao hơn. Thêm vào đó, có những doanh nghiệp các năm trước đều lãi lớn nhưng năm nay lại lỗ hoặc lãi không đáng kể, do vậy cần phải xem xét lại cách định lượng mức độ trọng yếu cho BCTC.
3. Chương trình kiểm toán
Khi lập chương trình kiểm toán cho các phần hành, kiểm toán viên cần phải tăng cường các thủ tục kiểm tra chi tiết đối với những khoản mục được xác định là trọng yếu và liên quan nhiều đến sự đánh giá chủ quan của người lập BCTC. Một số khoản mục cần được chú ý do chịu rủi ro thị trường giá như nợ phải trả bằng ngoại tệ, dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư, lỗ lãi từ việc chuyển nhượng thoái vốn như trường hợp của Vinashin, SCIC và Bảo Việt. Đối với các khoản phải thu thương mại, cần xem xét đến khả năng thu hồi nợ của doanh nghiệp và tính hợp lý của dự phòng nợ xấu và dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Một số doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia vào thị trường công cụ phái sinh thì cần phải xem xét đến giá trị hợp lý của các công cụ này tại ngày kết thúc năm tài chính. Đối với các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tài chính thì xác định giá trị hợp lý cho các công cụ tài chính này sẽ do bên đối tác, thường là ngân hàng, cung cấp. Còn đối với các tổ chức tài chính thì kiểm toán viên cần xem xét lại giá trị đầu vào cho mô hình định giá giá trị hợp lý của các công cụ này, đặc biệt trong sự biến động tỷ giá như hiện nay.
Lý thuyết “Positive accounting” nên được vận dụng để phân tích các khoản mục có rủi ro sai sót cao, đặc biệt là hiện tượng “tát nước theo mưa”. Đây là hiện tượng mà kết quả năm nay không đạt được kế hoạch đặt ra do khủng hoảng tài chính, ban lãnh đạo quyết định sẽ ghi nhận thêm các chi phí như tăng dự phòng rủi ro hàng tồn kho, tăng dự phòng các khoản phải thu thương mại, tăng dự phòng bảo hành… Điều này dẫn đến các năm sau khi hoàn nhập sẽ tăng lợi nhuận của DN. Kiểm toán viên do đó cần đặc biệt chú ý đến những khoản mục mà có sự đánh giá chủ quan của người lập BCTC.
4. Nhân lực và vật lực
Nhân lực và vật lực của một cuộc kiểm toán trong điều kiện kinh tế biến động cũng khác với trong điều kiện bình thường. Khi các công ty đang gặp khó khăn để kinh doanh thì phí trả cho kiểm toán viên sẽ không tăng, thậm chí giảm đi so với năm trước. Trong khi đó do rủi ro kiểm toán tăng cao nên chất lượng kiểm toán viên cũng như thời gian của cuộc kiểm toán phải tăng lên. Rất nhiều kiểm toán viên ở nước ta với tuổi đời còn trẻ, chưa từng kiểm toán trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, do đó cần phải sử dụng thêm các kiểm toán viên dày dặn kinh nghiệm và tăng thời gian hướng dẫn, giám sát, kiểm tra chất lượng của một cuộc kiểm toán lên so với điều kiện bình thường. Không chỉ vậy, với những phần hành phức tạp, cần phải có kiến thức chuyên và sâu như định giá một công trình xây dựng quy mô lớn thì cần phải có sự tham gia của các chuyên gia hoặc bên thứ ba có khả năng tư vấn . Thủ tục kiểm toán cơ bản cũng sẽ tăng lên, độ tin cậy đạt được dựa vào thủ tục kiểm soát giảm xuống, dẫn đến lượng thời gian của một cuộc kiểm toán cũng tăng thêm. Do đó, các công ty kiểm toán nên có các khóa đào tạo cho các kiểm toán viên về các rủi ro cơ bản mà các doanh nghiệp gặp phải trong khủng hoảng kinh tế, cũng như cách tiếp cận kiểm toán trong thời kỳ kinh tế biến động khác biệt ra sao so với kiểm toán trong điều kiện bình thường. Đặc biệt cần phải nhấn mạnh với các kiểm toán viên là hơn bao giờ hết, thái độ hoài nghi nghề nghiệp là rất quan trọng.

Comments

comments