Giải mã đạo đức của kế toán viên chuyên nghiệp

    Lượt xem: 972

Giải mã đạo đức của kế toán viên chuyên nghiệp

Sẽ không có một quy tắc đạo đức chuẩn cho tất cả các kế toán viên. Phụ thuộc vào từng loại hình kế toán (kế toán nhà nước hay kế toán doanh nghiệp) và tổ chức mà bạn làm việc, sẽ có những quy định riêng cho tiêu chuẩn đạo đức của người kế toán.

Tuy vậy, Liên đoàn kế toán Quốc tế (IFAC) đã giải mã được 5 tiêu chuẩn đạo đức chung cần phải có của tất cả các kế toán chuyên nghiệp.

1. Đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn về nghề nghiệp

Hầu hết mọi người không thể nắm bắt và hiểu tường tận các văn bản, quy định liên quan đến tài chính và thuế. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp (DN) phải có bộ máy kế toán trong DN hoặc nhiều DN thuê dịch vụ kế toán chuyên nghiệp từ bên ngoài. Nhân viên kế toán sẽ giúp DN thực hiện các vấn đề tài chính một cách hiệu quả nhất và theo đúng pháp luật. Một nhân viên kế toán chuyên nghiệp phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Các nhân viên trong Tổ chức Phát triển Kế toán Chính phủ (Advancing Government Accountability- AGA) luôn hoạt động theo phương châm: “cung cấp dịch vụ kế toán chuyên nghiệp đến DN bằng cách sử dụng những nghiệp vụ kế toán hiện đại, hiệu quả nhất có thể.”

2. Giữ bí mật thông tin

Giống với luật sư và bác sĩ, bảo mật thông tin được xem là tiêu chuẩn đạo đức hành nghề của nhân viên kế toán. Họ không được phép tiết lộ hoặc sử dụng thông tin của DN ra bên ngoài bởi vì các thông tin từ kế toán thường là những thông tin rất quan trọng, nếu bị tiết lộ cho đối thủ cạnh tranh sẽ dẫn đến những thiệt hại xấu cho DN. Thực tế cho thấy, sự sụp đổ của các công ty tài chính lớn trên thế giới đều xuất phát từ việc mua bán tin tức của những kế toán viên vì lợi ích cá nhân. Nhiều người không biết đã biến mình thành nạn nhân của chính mình và phải trả giá không nhỏ vì làm điều không đúng với lương tâm nghề nghiệp.

Kế toán viên chỉ được tiết lộ những thông tin bí mật khi được sự cho phép của DN hoặc từ yêu cầu hợp pháp.

3. Luôn làm việc khách quan

Bản chất con người sẽ có những thành kiến, làm việc bị tình cảm chi phối vì yêu ghét, thích hay không thích dựa vào kinh nghiệm và sự giáo dục của bản thân. Nhưng nếu bạn đã lựa chọn trở thành một nhân viên kế toán, bạn phải luôn cố gắng làm việc không để bị chi phối bởi các thành kiến và tình cảm. Một kế toán viên làm việc công bằng, khách quan là người luôn phán xét và đưa ra kết luận chỉ dựa trên những con số.

Một kế toán viên nếu làm việc không khách quan có thể sẽ tự đẩy mình vào những xung đột về lợi ích của các bên liên quan. Và nếu như vô tình thấy mình bị rơi vào trường hợp như thế, người kế toán viên làm việc có trách nhiệm sẽ ngay lập tức tìm cách giải quyết xung đột của các bên. Hãy làm việc dựa trên các con số, chứng từ khách quan, chân thực nhất bởi bản thân các con số tự nó có thể truyền tải thông tin. Nhưng nếu kế toán viên cố tình làm méo mó các con số, sẽ dẫn đến thông tin bị truyền tải sai lệch và gây nên những hậu quả bất lợi cho người sử dụng thông tin…Đó là việc làm phi đạo đức trong kinh doanh.

4. Giữ gìn thể diện nghề nghiệp

Đạo đức của người kế toán viên được thể hiện qua thái độ luôn luôn có ý thức giữ gìn thể diện nghề nghiệp. Giữ gìn danh tiếng, hình ảnh bản thân bằng cách: làm đúng với quy định của pháp luật, không làm những việc ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân và DN.

5. Chính trực và liêm khiết

Tiêu chuẩn cuối cùng không thể thiếu của một kế toán viên chuyên nghiệp phải kể đến chính là tính trung thực và ngay thẳng trong tất cả các thương vụ. Tính trung thực sẽ giúp người kế toán có thể làm việc khách quan. Nếu xảy ra xung đột về lợi ích hay bất cứ lí do gì khiến bạn không thể bảo đảm được tính khách quan, bạn cần phải nói rõ cho khách hàng của bạn biết lí do. Bạn cần phải giải quyết xung đột dựa trên quy định của pháp luật. Nếu sử dụng những quy định bất thành văn, bạn đã vi phạm tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp.

Trên đây là 5 tiêu chuẩn đạo đức chung của người kế toán viên chuyên nghiệp, do IFAC tổng kết. Bạn đã có được tiêu chuẩn nào trong những tiêu chuẩn kể trên?

Comments

comments