Vài nét mới sửa đổi, bổ sung về khấu trừ, hoàn thuế GTGT

    Lượt xem: 1055

Để thực hiện cải cách, triển khai xây dựng hệ thống chính sách Thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp; với mức động viên hợp lý nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, ngày 11/01/2012 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 06/2012/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 và Nghị định số 121/2011/NĐ-CP ngày 27/12/2011 của Chính phủ về thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó việc sửa đổi, bổ sung chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ (kể cả hàng hoá xuất khẩu) hiện nay khi mà nước ta đang ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Một số nội dung chính về khấu trừ, hoàn thuế GTGT được sửa đổi, bổ sung mới so với trước như sau:

Thứ nhất: Về Nguyên tắc khấu trừ thuế GTGT bổ sung một số điểm chính như:

– Đối với thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hoá chịu thuế GTGT bị tổn thất.

– Cơ sở kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT hàng tháng tạm phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào được khấu trừ trong tháng, cuối năm cơ sở kinh doanh thực hiện tính phân bổ số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của năm để kê khai điều chỉnh thuế GTGT đầu vào đã tạm phân bổ khấu trừ theo tháng.

– Đối với cơ sở sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thuỷ, hải sản có sử dụng sản phẩm ở các khâu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; nuôi trồng, đánh bắt thuỷ, hải sản làm nguyên liệu để tiếp tục sản xuất chế biến ra sản phẩm chịu thuế GTGT được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh ở tất cả các khâu đầu tư xây dựng cơ bản, sản xuất, chế biến;

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò, phát triển mỏ dầu khí đến ngày khai thác đầu tiên hoặc ngày sản xuất đầu tiên được khấu trừ toàn bộ.

– Thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ sử dụng cho các hoạt động cung cấp hàng hoá, dịch vụ không phải kê khai, nộp thuế GTGT thì được khấu trừ toàn bộ.

– Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào dưới hình thức uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác mà hoá đơn mang tên tổ chức, cá nhân được uỷ quyền.

– Cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào bổ đối với trường hợp: Hoá đơn không ghi hoặc ghi không đúng một trong các chỉ tiêu như tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua nên không xác định được người mua.

Thứ hai. Về điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào bổ sung một số điểm mới so với trước như sau:

Cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán qua ngân hàng đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ 20 triệu đồng trở lên, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT.

Đối với hàng hoá, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị hàng hoá từ 20 triệu đồng trở lên. Đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng nếu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng thì không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào.

Các trường hợp được coi là thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT đầu vào gồm:

+ Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức thanh toán bù trừ giữa giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào với giá trị hàng hoá, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có biên bản đối chiếu số liệu và xác nhận giữa hai bên về việc thanh toán bù trừ giữa hàng hoá, dịch vụ mua vào với hàng hoá, dịch vụ bán ra, vay mượn hàng. Trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế.

+ Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào theo phương thức bù trừ công nợ như vay, mượn tiền; cấn trừ công nợ qua người thứ ba mà phương thức thanh toán này được quy định cụ thể trong hợp đồng thì phải có hợp đồng vay, mượn tiền dưới hình thức văn bản được lập trước đó và có chứng từ chuyển tiền từ tài khoản của bên cho vay sang tài khoản của bên đi vay đối với khoản vay bằng tiền bao gồm cả trường hợp bù trừ giữa giá trị hàng hoá, dịch vụ mua vào với khoản tiền mà người bán hỗ trợ cho người mua, hoặc nhờ người mua chi hộ.

+ Trường hợp hàng hoá, dịch vụ mua vào được thanh toán uỷ quyền qua bên thứ ba thanh toán qua ngân hàng (bao gồm cả trường hợp bên bán yêu cầu bên mua thanh toán tiền qua ngân hàng cho bên thứ ba do bên bán chỉ định) thì việc thanh toán theo uỷ quyền hoặc thanh toán cho bên thứ ba theo chỉ định của bên bán phải được quy định cụ thể trong hợp đồng dưới hình thức văn bản và bên thứ ba là một pháp nhân hoặc thể nhân đang hoạt động theo quy định của pháp luật.

Thứ ba. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu bổ sung thêm một số điểm mới như sau:

* Tờ khai hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

Trường hợp phía nước ngoài (bên nhập khẩu) uỷ quyền cho bên thứ ba là tổ chức, cá nhân ở nước ngoài thực hiện thanh toán; bên thứ ba yêu cầu tổ chức ở Việt Nam (bên thứ tư) thanh toán bù trừ công nợ với bên thứ ba bằng việc thực hiện thanh toán qua ngân hàng số tiền bên nhập khẩu phải thanh toán cho cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu thì cơ sở kinh doanh xuất khẩu phải có đủ các điều kiện, hồ sơ như sau:

+ Hợp đồng xuất khẩu (phụ lục hợp đồng hoặc văn bản điều chỉnh hợp đồng (nếu có) quy định việc uỷ quyền thanh toán, bù trừ công nợ giữa các bên.

+ Chứng từ thanh toán là giấy báo có của ngân hàng về số tiền cơ sở kinh doanh Việt Nam xuất khẩu nhận được từ tài khoản của bên thứ tư.

+ Bản đối chiếu công nợ có xác nhận của các bên liên quan (giữa cơ sở kinh doanh xuất khẩu với bên nhập khẩu, giữa bên thứ ba ở nước ngoài với bên thứ tư là tổ chức ở Việt Nam).

– Trường hợp phía nước ngoài thanh toán qua ngân hàng nhưng số tiền thanh toán trên chứng từ không phù hợp với số tiền phải thanh toán như đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì:

+ Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng có trị giá nhỏ hơn số tiền phải thanh toán như đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh phải giải trình rõ lý do như: phí chuyển tiền của ngân hàng, điều chỉnh giảm giá do hàng kém chất lượng hoặc thiếu hụt (đối với trường hợp này phải có văn bản thoả thuận giảm giá giữa bên mua và bán)…;

+ Nếu số tiền thanh toán trên chứng từ thanh toán qua ngân hàng có trị giá lớn hơn số tiền phải thanh toán như đã thoả thuận trong hợp đồng hoặc phụ lục hợp đồng thì cơ sở kinh doanh phải giải trình rõ lý do như: thanh toán một lần cho nhiều hợp đồng, ứng trước tiền hàng…

* Các trường hợp xuất khẩu không có chứng từ thanh toán qua ngân hàng được khấu trừ, hoàn thuế:

– Đối với trường hợp bên nước ngoài mất khả năng thanh toán, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

+ Tờ khai hải quan hàng hoá nhập khẩu từ Việt Nam đã đăng ký với cơ quan hải quan tại nước nhập khẩu hàng hoá; hoặc

+ Đơn khởi kiện đến toà án hoặc cơ quan có thẩm quyền tại nước nơi người mua cư trú kèm giấy thông báo hoặc kèm giấy tờ có tính chất xác nhận của cơ quan này về việc thụ lý đơn khởi kiện; hoặc

+ Phán quyết thắng kiện của toà án nước ngoài cho cơ sở kinh doanh; hoặc

+ Giấy tờ của tổ chức có thẩm quyền nước ngoài xác nhận.

– Đối với trường hợp hàng hoá xuất khẩu không đảm bảo chất lượng phải tiêu huỷ, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do.

– Đối với trường hợp hàng hoá xuất khẩu bị tổn thất, cơ sở xuất khẩu hàng hoá phải có văn bản giải trình rõ lý do và được sử dụng một trong số các giấy tờ sau để thay thế cho chứng từ thanh toán qua ngân hàng:

+ Giấy xác nhận việc tổn thất ngoài biên giới Việt Nam của cơ quan có thẩm quyền liên quan; hoặc

+ Biên bản xác định tổn thất hàng hoá trong quá trình vận chuyển ngoài biên giới Việt Nam nêu rõ nguyên nhân tổn thất; Nếu cơ sở xuất khẩu hàng hoá đã nhận được tiền bồi thường hàng hoá xuất khẩu bị tổn thất ngoài biên giới Việt Nam thì phải gửi kèm chứng từ thanh toán qua ngân hàng về số tiền nhận được.

Thứ tư. Điều kiện khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào đối với một số trường hợp hàng hoá được coi như xuất khẩu tại chỗ theo quy định của pháp luật bổ sung thêm một số điểm mới như sau:

+ Hợp đồng mua bán hàng hoá hoặc hợp đồng gia công có chỉ định giao hàng tại Việt Nam;

+ Tờ khai hải quan hàng hoá xuất khẩu – nhập khẩu tại chỗ đã làm xong thủ tục hải quan;

+ Hoá đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn xuất khẩu ghi rõ tên người mua phía nước ngoài, tên doanh nghiệp nhận hàng và địa điểm giao hàng tại Việt Nam;

+ Hàng hóa bán cho thương nhân nước ngoài nhưng giao hàng tại Việt Nam phải thanh toán qua ngân hàng bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi.

Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ được phía nước ngoài uỷ quyền thanh toán cho người xuất khẩu tại chỗ thì đồng tiền thanh toán thực hiện theo quy định của pháp luật về ngoại hối.

+ Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải phù hợp với quy định tại giấy phép đầu tư.

Thứ năm: Về hoàn thuế GTGT bổ sung đối tượng và trường hợp được hoàn thuế GTGT như sau:

– Trường hợp số thuế GTGT đầu vào của hoạt động SXKD và dự án đầu tư dưới 200 triệu đồng và 3 tháng chưa được khấu trừ hết thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

– Cơ sở kinh doanh trong tháng có hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu; Trường hợp không hạch toán riêng được số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu thì số thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu được phân bổ theo tỷ lệ (%) giữa doanh thu hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu trong kỳ với tổng doanh thu của cơ sở kinh doanh trong kỳ.

Thứ sáu: Về hiệu lực thi hành.

Các nội dung sửa đổi, bổ sung về khấu trừ, hoàn thuế GTGT trên đây có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2012.

Việc sửa đổi, bổ sung thuế GTGT lần này sẽ góp phần trong việc thực hiện chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT ngày càng đầy đủ, kịp thời, chặt chẽ hơn. Góp phần thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính thuế, giúp cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước được thuận lợi, dễ dàng. Đồng thời đảm bảo chống thất thu ngân sách, ngăn chặn một số đối tượng lợi dụng chính sách khấu trừ, hoàn thuế GTGT để trục lợi, chiếm dụng tiền thuế./.

Comments

comments